Bước lên lớp 8, trong môn toán học các em sẽ bắt đầu được làm quen với các tứ giác đặc biệt trong môn toán hình cũng như các định lý toán hình mới lạ. Tuy đây đều là những kiến thức đơn giản nhưng lại đóng vai trò nền tảng quan trọng để các em chuẩn bị cho những kiến thức nâng cao hơn sau này. Nên nếu không có phương pháp học tập hợp lí cho môn học này cũng sẽ dễ khiến các em mất căn bản và chán nản trong quá trình học. Là bậc làm cha, làm mẹ, đừng ngần ngại, hãy chia sẻ cho các con những phương pháp học tập bổ ích sau đây của gia sư lớp 8 để có thể giúp đỡ con có được hiệu quả học cao hơn.

 

Học thuộc định lý toán học 

Ở lớp 8 đối với môn toán hình, các em sẽ làm quen với các tứ giác đặc biệt vào học kỳ 1 như hình bình hành, hình thang cân, hình thoi… Mỗi hình này đều có một nhóm tính chất riêng của từng hình. Ví dụ hình thoi thì sẽ có tính chất là một tứ giác có 4 cạnh bằng nhau, hình thoi cũng được xem là một hình bình hành, hai đường chéo của hình thoi vuông góc với nhau và cắt nhau tại trung điểm của mỗi đường… Những tính chất của từng hình là rất quan trọng để có thể áp dụng vào vẽ đúng hình và giải được ra bài toán.

Tuy nhiên với nhiều hình và mỗi hình là 1 nhóm tính chất khác nhau, tìm ra cách để ghi nhớ hiệu quả và không bị nhầm lẫn là điều cần có. Một cách đơn giản và hiệu quả đó chính là vẽ hình và tự đưa ra các chứng minh về tính chất mà SGK đã đề cập tới. Ví dụ chứng minh đường chéo bằng nhau ta có thể dùng tam giác bằng nhau để chứng minh, cách học này có thể hơi lâu và tốn nhiều thời gian nhưng nó sẽ giúp bạn ghi nhớ sâu hơn và nắm chắc hơn về kiến thức.

Hoặc sang tới kì 2 thì các em sẽ làm quen với định lý Ta-let, tam giác đồng dạng, bước đầu tiếp thu kiến thức có thể gây khó khăn khá nhiều cho các em nhưng chỉ cần ghi nhớ lấy định lý và biết các xác định các đỉnh, các góc hay cạnh tương ứng theo định lý thì việc áp dụng vào bài sẽ không còn quá khó khăn.

Luyện giải các bài tập từ cơ bản đến nâng cao 

Lý thuyết luôn đi đôi với bài tập, để biết được các em có hiểu bài hay không chỉ cần cho các em làm các bài tập vận dụng. Đầu tiên là các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập, ở đây đều là những bài tập ở mức độ cơ bản, có thể giải hết những bài tập này chứng tỏ các em đã nắm được kiến thức cơ bản để vận dụng lên những bài tập nâng cao hơn.

Lúc này chúng ta có thể cho các em thử các bài tập nâng cao hơn từ các sách luyện giải bài nâng cao hay các dạng bài tập mới lạ sưu tầm trên mạng để tăng khả năng tư duy và hiểu sâu hơn về dạng toán các em đang học. Thông qua các dạng toán này, các em sẽ tìm được các hướng suy luận giải bài nhanh chóng và tốt hơn. Ví dụ như suy luận ngược, là một hình thức suy luận mà khi cảm thấy bế tắc không thể giải ra thì ta suy luận ngược lại từ yêu cầu của đề bài, sau đó xác định những điều kiện cần đã có và tìm kiếm thêm các điều kiện chưa có đủ để có thể giải ra bài.  

Học tới đâu ôn lại tới đó 

Đây là cách học được áp dụng cho rất nhiều môn học khác nhau. Để ghi nhớ kiến thức tốt hơn và nhanh chóng hiểu bài ngay sau mỗi giờ học, các em cần phải tự học, tự ôn tập sau khi học trên lớp về ngay trong ngày hôm đó. Thay vì chờ tới khi có tiết lại mới lấy ra ôn bài làm bài tập về nhà được giao thì ngay trong ngày chúng ta vừa học xong hãy mở bài ra ôn tập lại liền kiến thức cũng như giải bài tập. Ngay vào thời điểm vừa học xong và ôn tập lại sẽ giúp não bộ ghi nhớ sâu và ngay tại đó, nếu có thắc mắc nào bạn sẽ có thể kịp thời tìm hiểu hoặc hỏi để được giải đáp, giúp cho toàn bộ kiến thức chắc chắn hơn.  

Tập trung cao độ 

Để có thể học tốt và hiểu bài cũng như ghi nhớ sâu hơn, việc quan trọng nhất vẫn là tinh thần tập trung. Tập trung nghe giảng trên lớp, ghi chú lại những giải thích quan trọng cũng như đánh dấu lại những phần chưa hiểu để lập tức hỏi bạn bè hoặc trực tiếp là giáo viên. Ghi chép bài đầy đủ, cẩn thận và soạn bài trước khi lên lớp cũng là một trong những bước giúp bản thân học tốt hơn ở môn học này. 

Chúc các em thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *