Đề bài: Phân tích truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
Bài làm
Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài được in trong tập truyện Tây Bắc được tác giả viết trong lần đi thực tế tại Tây Bắc.
Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” kể về cuộc đời của nhân vật đôi vợ chồng trẻ A Phủ và Mị, những con người có hoàn cảnh khốn khổ giống nhau, đều là nô lệ của gia đình thống lý Pá Tra, bị kìm kẹp đánh đập chịu nhiều bất công trong cuộc sống.
Thông qua truyện ngắn này tác giả Tô Hoài muốn tố cáo tội ác của chế độ cũ, những con người dùng quyền lực để chèn ép những người dân lao động khốn khổ,
Dưới thời phong kiến bọn bạo chúa của vùng núi rừng Tây Bắc đã làm mưa làm gió bá chủ vùng núi dẻo cao, bắt người dân khốn khổ phải làm nô lệ phục dịch cho bọn chúng. Một xã hội đầy những bất công.
Giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được tác giả Tô Hoài khai thác qua hai nhân vật A Phủ và Mị
Mị chính là cô gái vô cùng xinh đẹp, có tài thổi sáo, khỏe mạnh, được nhiều trai bản đi theo mơ ước cưới cô là vợ. Cuộc sống của Mị những tưởng sẽ gặp nhiều hạnh phúc, nhưng vì cha mẹ cô nợ tiền là thống lý Pá Tra nên họ muốn bắt cô về làm con dâu để trừ nợ.
Mở đầu câu chuyện chính là hình ảnh cô gái có khuôn mặt buồn rười rượi ngồi bên tảng đá ngay cửa, cạnh tàu ngựa, quay những sợ gai. Cô gái ấy rất buồn cả ngày không nói một lời, chỉ biết sống như con rùa nuôi trong xó cửa, mặt lúc nào cũng cúi xuống, suốt ngày chỉ biết làm và làm mà thôi. Cô sống âm thầm lặng lẽ như một vật vô tri, một cái bóng trong nhà.
Mị tiếng là con dâu nhà thống lý Pá Tra nhưng thực chất chỉ là kẻ hầu người hạ mà thôi. Phải sống với A sử là nỗi khinh ghét, nỗi khổ sở không thể nào nguôi ngoai trong lòng Mị. Nhiều lần Mị toan ăn lá ngón chết đi để giải thoát cho mình. Nhưng nghĩ tới cha mẹ già của cô khó mà sống yên ổn sau khi Mị chết nên cô đành thôi bởi những lời mẹ cô nói ” Mày chết những món nợ của tao vẫn còn, quan lại bắt tao trả nợ”
Quãng đời cơ cực của Mị khi sống cùng A Sử con trai nhà thống lý chính là những ngày tháng gian nan, vất vả không có một ngày bình yên vui vẻ, không có một nụ cười. Từ ngày bước về làm dâu trong gia đình này Mị lúc nào cũng cúi mặt, buồn rười rượi. Mị sống âm thầm lặng lẽ không bước ra khỏi nhà trừ khi đi làm nương, dệt vải, cô làm việc từ sáng tới tối, đến khuya không lúc nào ngơi tay.
Nhiều khi cô nghĩ con trâu con ngựa trong nhà còn sướng hơn mình, bởi con trâu con ngựa làm việc còn có buổi tối nó được nghỉ ngơi ăn cỏ, còn đàn bà con gái trong nhà này làm việc quanh năm ngày tháng, từ sáng tới đêm.
Sự hồi sinh của Mị chỉ được bắt đầu khi vào ngày lễ hội mùa xuân, khi Tết đến, Mị nghe tiếng sáo gọi bạn. Mị lấy hũ rượu ra uống, càng uống thì hơi men càng ngấm vào người, trong khung cảnh mùa xuân mọi thứ đều đâm chồi nảy lộc, Mị thấy tâm hồn mình cũng thức tỉnh một cảm giác lạ lẫm. Mị cảm thấy căm ghét sự tàn bạo, khát khao cuộc sống hạnh phúc, được tự do bay nhảy.
Mị cảm thấy mình vẫn còn trẻ lắm, Mị nghĩ nhiều người phụ nữ lấy chồng vẫn được đi chơi trong lễ hội mùa xuân có sao đâu, tại sao Mị không thể đi. Nghĩ vậy, Mị chuẩn bị quần áo, đứng lên buộc lại tóc. Nhưng những hành động của Mị không qua khỏi mắt của A Sử. Hắn đánh đập Mị dã man rồi trói Mị vào cột trong nhà bếp, buộc tóc Mị lên xà nhà,
Giữa lúc sức sống trong lòng Mị được hồi sinh thì nó lại bị A Sử đại diện cho tầng lớp bóc lột trong xã hội chà đạp một cách dã man. Hắn trói Mị suốt đêm như vậy, nhưng hơi rượu đã ngấm có nhiều lúc Mị toan dứt đứt sợi dây bước đi thì bị những sợi dây kia kéo lại đau đớn.
Suốt đêm Mị bị trói như vậy, trong lòng Mị những khát khao bùng lên mãnh liệt, Mị suy nghĩ rất nhiều muốn thoát khỏi kiếp nô lệ tù túng này, muốn thoát khỏi cảnh trói buộc éo le, muốn đi tìm hạnh phúc của đời mình.
Trong gia đình nhà thống lý Pá Tra có một người có hoàn cảnh sống như Mị, đó chính là A Phủ, A Phủ là chàng trai nghèo khổ, không cha không mẹ, anh lớn lên khỏe mạnh, hoang đã như con ngựa hoang sống giữa rừng già. Nhưng một lần do A Phủ đánh A Sử nên gia đình thống lý ép anh phải làm nô lệ suốt đời cho nhà họ để trừng phạt A Phủ.
A Phủ sống trong nhà thống lý với kiếp nô lệ, ngày ngày anh phải đi thả trâu, thả bò của nhà thống lý Pá Tra những công việc nặng nhọc. Nhưng một hôm do A Phủ để lạc mất một con trâu nên bị trói vào cột đánh đập dã man, hai hốc mắt hõm lại, đôi gò má xám xịt, môi tứa máu, người toàn vết roi quất. A Phủ bị trói như vậy suốt ngày suốt đêm không cho ăn uống gì, trong đêm tối Mị nhìn thấy những giọt nước mắt bất lực của A Phủ lăn xuống mặt, xuống cổ.
Chính trong lúc đó, Mị lại nghĩ tới số phận của mình, Mị cũng từng bị trói như vậy, cũng từng bị đánh đập dã man như vậy, Mị quyết định cắt dây trói cho A Phủ rồi hai người rủ nhau trốn đến một ngọn núi khác, nơi có Việt Minh đang hoạt động, tìm cuộc sống mới.
Hành động cắt dây trói cho A Phủ của Mị tuy chỉ là hành động bột phát xuất phát từ phút giây thương cảm với người cùng cảnh ngộ với mình nhưng thể hiện sự phản kháng của những người nông dân, không cam chịu kiếp sống nô lệ mãi. Ở đâu có áp bức, ở đó tất có chiến tranh đó là chân lý ngàn đời từ xưa tới nay.
Qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” tác giả Tô Hoài muốn làm sống lại cuộc sống cơ cực của những người dân miền núi tối tăm, khốn khổ, bị chà đạp tới đường cùng trong chế độ phong kiến. Thông qua tác phẩm thể hiện quan điểm sống sự nhân văn của tác giả với những số phận nghèo khổ của người dân xưa.